Pages

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Thành Phố Nha Trang :

        • Thành Phố Nha Trang :
        • “Đẹp thay non nước Nha Trang
          Người đi hồn vẫn mơ màng nơi đâu”.
          Nha Trang – thành phố bên bờ biển xanh, “ chiếc boong tàu đầy nắng”, “ lẵng hoa tươi đẹp đặt trên bờ biển đông” … là trung tâm kinh tế văn hóa, du lịch … được xem là tốt nhất nước. Cách thủ đô Hà Nội 1.278km, thành phố Hồ Chí Minh 450km – Nha Trang nằm trong vị trí rất thuận lợi về giao thông – liên lạc. Một đầu mối giao thông lớn và trọng điểm của cả nước, với đầy đủ các yếu tố tự nhiên thuận lợi, đảm bảo cho sự xây dựng một nền kinh tế – văn hóa hoàn chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho những chuyến viếng thăm của khách trong và ngoài nước.
          Thành phố Nha Trang nằm gọn trong một thung lũng trước núi và ven biển. Bắc và nam được giới hạn bởi những dãy núi cao, với những đỉnh cao đạt từ 700 – 900m. Thành phố trải dài dọc theo bờ biển, trước mặt là biển đông mênh mông, với 19 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác xa gần, trong đó có đảo hòn Tre đứng sừng sững – một yếu tố góp phần tạo dựng một khí hậu tuyệt vời cho Nha Trang. Phía tây thành phố là tuyến QL1 nối Nha Trang với thành Diên Khánh – một vùng đồng bằng trước núi với diện tích không lớn song cực kỳ trù phú của Khánh Hòa. Nơi cung cấp trái cây, rau quả và hoa cho thành phố Nha Trang. Các điều kiện tự nhiên góp phần tạo dựng một cách cũng rất tự nhiên cho Nha Trang một khung cảnh trời mây non nước kỳ thú, với một điều kiện khí hậu tuyệt vời, hiếm thấy ở một nơi nào khác.
          Nha Trang có diện tích tự nhiên là 238 ha với dân số là 436.500 người, mật độ là 230 người / km2. Chỉ sau 25 năm giải phóng, diện tích thành phố đã tăng lên gấp 3 lần và dân số tăng lên gấp 4 lần. Nha Trang có chế độ khí hậu cận xích đạo gió mùa, khô ráo và có trên 300 ngày nắng trong năm, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai dòng hải lưu nóng – lạnh không xa ngoài khơi – một yếu tố ảnh hưởng lớn tới biển Nha Trang. Cùng vĩ độ với Nha Trang nằm ở ngoài khơi Thái Bình Dương là trung tâm xuất phát bão, vậy mà hình như bão không bao giờ ảnh hưởng tới vùng viển Nha Trang. Từ đầu thế kỷ tới nay người ta mới chứng kiến ở Nha Trang có 3 lần có gió lớn ở cấp 7, cấp 8 (1912, 1956, 1988).
          Ở Nha Trang không thấy biểu hiện rõ rệt 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Thời tiết quanh năm mát mẻ, không lạnh quá cũng không nóng quá như những vùng khác ở Việt Nam. Ngay cả những ngày nóng nhất thời tiết Nha Trang vẫn có những ngày ôn hòa, không oi nồng và thường từ 4h chiều trở đi sẽ đột ngột trở nên dịu hẳn, trời đất trở nên mát mẻ dễ chịu do có gió nồm đông nam thổi vào. Cũng vào những ngày nắng, nóng nhất nhưng nửa đêm về sáng người dân Nha Trang cũng thường dùng một tấm chăn mỏng đắp ngang người để ngủ, trái lại vào những ngày lạnh nhất ở Nha Trang, du khách cũng có thể thấy những nam thanh nữ tú mặc áo ngắn tay dạo phố.
          Có lẽ rõ nét hơn cả về chế dọ khí hậu ở Nha Trang là sự phân biệt khí hậu hai mùa mưa và khô. Mùa mưa ở Nha Trang kéo dài từ tháng 9 tới tháng 12, tập trung gần như toàn bộ lượng mưa trong năm với 1.500mm. Mưa ở Nha Trang thường không kéo dài, với những ngày mưa của mùa mưa du khách vẫn có thể gặp những ngày hoàn toàn nắng ráo, trời trong xanh, mây trắng như vào giữa mùa khô. Mùa khô kéo dài suốt 6 tháng đầu năm. Mùa này trời luôn trong xanh, biển lặng, rất ít khi có mưa, độ ẩm thấp – 80% trung bình năm, rất thích hợp cho du khách Tây phương. Thỉnh thoảng du khách có thể gặp những cơn mưa đột ngột và ngắn, sau đó thời tiết đột ngột dịu hẳn đi và cảm thấy dễ chịu và sảng khoái.
          Cù Nha Trang là tên gọi con sông Ngọc Hội hay sông Cù, tên Nha Trang la do tiếng thổ âm của người Chàm là Eatang hay Jảtang đọc trại ra mà thành. Ea hay Ja là dòng sông, trang là lau, sậy. Gọi như vậy là do ngày xưa dọc hai bờ sông Nha Trang lau, sậy mọc um tùm, hoa bông lau nở trắng xóa một vùng. Dân Nha Trang thường truyền tụng câu thơ cổ vịnh Nha Trang :
          “ Lưỡng ngạn vi lô trường đảo hài
          Tú biên hoàng diệp lục vi thu”
          Dịch là :
          “ Trắng dợp đôi bờ lau tới biển
          Tên Nha Trang chính thức được sử dụng khi người Việt đặt chủ quyền của mình trên mảnh đất này vào năm 1653. Hơn 3 thế kỷ, trải qua nhiều biến động của lịch sử, ban đầu chỉ là tục danh về sau trở thành địa danh hành chính. Cái tên Nha Trang vẫn tồn tại như một cái tên truyền thống cho đến tận ngày nay.
          Còn có một giả thuyết nữa về tên gọi thành phố Nha Trang. Vào đầu thế kỷ này ở Nha Trang còn bao gồm toàn nhà tranh, vách đất. Duy nhất chỉ có nhà bác sĩ Yersin là xây bằng gạch, mái ngói đỏ tươi, tường quét vôi trắng. Một hôm có chiếc tàu buôn nước ngoài ngang qua cửa biển Cù Huân ( cửa lớn Nha Trang ) thì viên chỉ huy hỏi “ Đây là chữ gì?” nhưng người thông ngôn không hiểu ý lại chỉ vào ngôi nhà trắng của bác sĩ Yersin và trả lời “ Đây là nhà trắng” viên chỉ huy liền ghi ngay vào bản đồ, do tiếng nước ngoài không có dấu nên chữ “ Nhà trắng” đã bị đọc thành “Nha Trang” vô tình về sau trở thành cái tên của thành phố, có lẽ đây chỉ là câu chuyện kể cho vui mà thôi.
          Nha Trang có nhiều điển tích lạ và hay, người xưa gọi “ Tứ Thủy Triều Quy, Tứ Thú Tụ” đó là 4 mặt có nước bao bọc còn “ Thú Tụ” là hình ảnh tượng trưng cho 4 quả núi hội tụ lại đã giữ gìn anh khí, cảnh sắc, tạo nên một vùng khí hậu tuyệt vời cho thành phố. Bốn quả núi đó là :
                  • Núi Cảnh Long ở Chụt là Con Rồng, vì núi chạy dài từ Cửa Bé ra Cầu Đá dọc theo mé biển và đến Cầu Đá núi lại chạy thẳng ra biển, nên gọi là “Thanh Long hý thủy” (Rồng xanh giỡn nước).
                  • Hòn Sinh Trung ở Hà Ra là Con Voi, vì núi đứng cạnh đầm Xương Huân nên gọi là “Bạch Tượng quyện hồ” (Voi trắng quậy hồ).
                  • Hòn Trại Thủy là Con Dơi, vì trước núi, tại đầu dơi có một bàu nước hình tròn như mặt trăng nên gọi là “Ngọc Bức hàm hoàn” (Dơi ngọc ngậm vòng).
                  • Hòn Hoa Sơn, tục gọi là Núi Một ở phía Tây Nha Trang là Con Rùa, vì trên núi có ngọn cổ tháp nên gọi là “Kim Quy đối tháp” (Rùa vàng đội tháp).
          Bốn núi này là bốn thắng cảnh ở Nha Trang mà du khách đến đây không thể không một lần ghé thăm. Từ vị trí của quần thể tháp Pônaga, từ trên lầu chuông của nhà thờ Chánh Tòa ( nhà thờ Đá ), hay từ nơi tọa chủ Thích ca Phật Đài, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thành phố Nha Trang. Xa xa là biển xanh mênh mông, du dương, lâng lâng, nhịp nhàng theo làn điệu ngàn đời của sóng, gần hơn dưới chân du khách là những dãy phố chia dọc ô bàn cờ, bên cạnh những thảm dừa xanh biếc, hàng hàng, lớp lớp, soi mình nghiêng bóng xuống sông nước Nha Trang. Nếu từ tháp Bà hay từ cầu Xóm Bóng nhìn ra, du khách không thể không “Ồ” lên kinh ngạc và thích thú khi nhìn toàn cảnh xóm Bóng – bến cá Nha Trang đẹp như tranh vẽ với những lớp nhà cao thấp nhô xen nhau san sát trên bến dưới thuyền suốt ngày thuyền bè tấp nập ra vào trời mây, sông biển, núi non ở Nha Trang quy tụ, khăng khít bên nhau, gắn bó thủy chung như tình yêu trai gái trên bãi biển cù lao này.
          “Đứng giữa hòn Chồng trông sang hòn Yến
          Lên tháp Bà về viếng Sinh Trung
          Giang ơn cẩm tú chập trùng
          Đôi ta gắn bó thủy chung một lòng”.
          Tới Nha Trang nếu du khách chưa thưởng thức gió biển mặn mà, tắm táp vùng vẫy dưới nước biển trong xanh tinh khiết, phơi mình trên bãi cát trắng mịn màng dưới ánh nắng chan hòa của bình minh hay hoàng hôn dịu dàng để làn da, cơ thể, được lớp lớp sóng biển hay những làn gió nhẹ nhẹ vuốt ve, mơn trớn thì thực sự chưa biết tới Nha Trang. Bãi biển ở đây thật tuyệt vời, chạy dài tới 7km giống như một lưỡi liềm bằng bạc, cán ở nơi xóm Cồn, mũi chạy tận vùng núi Chụt ( cảng Cầu Đá ) khoảng giữa phình rộng, được sóng biển mài dũa, bồi đắp sáng choang dưới ánh nắng mặt trời. Đứng trước cảnh trời ­ biển Nha Trang ai không khỏi vướng tình nước mây như bài hát xưa đã truyền tụng.
          “ Bãi biển Nha Trang mịn màng trắng trẻo
          Nước trong leo lẻo gió mát trăng thanh
          Đêm đêm thơ thẩn một mình
          Đố sao không khỏi vướng tình nước mây”.
          Đúng vậy biển Nha Trang quyến rũ đến mê hồn, tựa như một thiếu nữ vốn đã “ dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” nay lại được tô điểm thêm dáng vẻ bên ngoài lại càng lộng lẫy và hấp dẫn hơn. Chạy dài suốt bờ biển là đường Trần Phú, bên cạnh là những hàng dừa hay tập hợp những cây phi lao được cắt xén, tỉa cành tạo nhiều hình dáng lấp lánh và đẹp mắt. Lác đác đó đây còn tồn tại những cây phi lao hàng trăm năm tuổi với các kiểu: lọng, ô, chung, thú. Dưới hàng dừa và những hàng phi lao là những kiôt, quán gió – kiểu như quán gió Hồ Tây – Hà Nội, nơi bày bán đủ các loại nước, trái cây và nhiều đặc sản địa phương. Bên kia đường là những tòa biệt thự với nhiều kiểu kiến trúc tân ky khác nhau. Nằm vào những vị trí thuận lợi nhất cho sinh hoạt, vui chơi giải trí là những khách sạn khang trang của công ty du lịch Khánh Hòa như Thắng Lợi, Thống Nhất, Hải Yến, Viễn Đông, Sài Gòn – Nha Trang, Nha Trang logde luôn luôn đón tiếp du khách một cách nồng hậu và sẽ được thưởng thức những đặc sản ngon tươi nhất vừa mới được lấy lên từ dưới lòng biển.
          Du khách tới Nha Trang sẽ không tìm thấy những tòa nhà cao tầng như ở Tp. HCM hoa lệ, mà đa phần là những ngôi nhà 2, 3 hay 4 tầng lầu. Lối kiến trúc này cân xứng với những thành phố biển nhẹ nhàng, yên tĩnh, thanh bình. Những tòa biệt thự thường thấp thoáng ẩn hiện dưới bóng dừa xanh, hay dưới những hàng cảnh tạo dáng công phu và đầy tính nghệ thuật, hay bằng những giàn hoa phong lan đủ loại, đủ màu sắc, tỏa hương dìu dịu. Tất cả những tòa nhà đều toát lên một vẻ hài hòa, thanh thoát bởi những đường nét, hình ảnh nhẹ nhàng mà phóng khoáng. Cuộc sống của người dân Nha Trang cũng vậy không ồn ào, náo nức như những đô thị khác ở miền Nam, mà nó chứa đựng một nét độc đáo riêng, rất thú vị, bình dị, thanh tịnh, phù hợp với khung cảnh thành phố du lịch. Nha Trang từng là nơi cư trú, ẩn dật của nhiều sỹ phu, những nhà nho yêu nước “công không thành, danh không toại” muốn tránh sự đời đầy bon chen và bất công, có lẽ cái triết lý của Lão Tử đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Nha Trang nhiều đời. Người ta muốn về với thiên nhiên cẩm tú này, tuyệt hết cái nghĩ ngợi ham muốn, vứt bỏ những bon chen, đố kỵ của đời thường để sống cuộc sống thanh sạch, yên bình hơn, hòa mình, gần gũi với thiên nhiên hơn đúng như Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng vịnh :
          Vàng lay bốn phía lá gieo thu”
          “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
          Người khôn người đến chốn lao xao
          Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
          Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
          Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp
          Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.
          Có lẽ chỉ thế “địa lợi, nhân hòa” của non nước Khánh Hòa đã vun đúc tính cách của người dân nơi đây từ đời này qua đời khác. Nha Tang – Khánh Hòa xưa đúng là một địa danh lý tưởng cho những ai thích sống cuộc đời như vậy.
          Gió biển Nha Trang tuyệt vời cũng góp phần quyến rũ thêm cho du khách, đó là một thứ gió dịu dịu, êm êm, cũng như nước biển nó có nồng độ Brôm và Iốt gia tăng, cũng góp phần kích thích hô hấp, gia tăng khả năng tuần hoàn trao đổi chất của cơ thể, làm cho du khách cảm thấy ăn ngon miệng hơn, giấc ngủ sâu hơn, tinh thần sảng khoái hơn, chóng lại sức và tăng nhanh sức khỏe.
          Người Nha Trang coi tắm biển là một nhu cầu sinh hoạt bình thường của cuộc sống hàng ngày. Suốt từ sáng tinh mơ đến chiều tối bãi tắm Nha Trang luôn nhộn nhịp tấp nập. Thậm chí ngay cả những trưa hè nắng chói chang, những buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, hay cả những ngày biển động … du khách vẫn có thể bắt gặp người Nha Trang tắm biển. Người ta tắm cho tâm hồn và thể xác sảng khoái trước giờ làm việc, trước lúc trưa và sau một ngày lao động mệt nhọc, rũ bỏ hết những bụi bặm, mệt mỏi, rồi sau đó sẽ tận hưởng cái khoảng thời gian dành riêng cho mình. Nha Trang quả là một viện điều dưỡng thiên nhiên lớn, nơi bồi bổ và giữ sức khỏe tuyệt vời. Đúng như bác sĩ Yersin từng nói “ai sống ở Nha Trang sẽ tăng thêm tuổi thọ”.
          Nước biển Nha Trang quanh năm trong xanh do chế độ biển ở đây gần giống với đại dương. Đáy biển đạt hàng chục mét độ sâu khi ra xa chỉ khoảng vài trăm mét, hàng trăm mét khi ra xa 50 –70 km và cả hàng ngàn mét khi ra xa 100km. Nha Trang có 19 hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác xung quanh và chen nhau xa gần – một yếu tố tự nhiên rất quan trọng tạo nên điều kiện khí hậu, chế độ thời tiết và chế độ biển Nha Trang. Nhờ chúng sóng gió lớn thường đổ về Nha Trang sẽ bị chặn đứng lại giảm đi một phần lớn. Cũng nhờ chúng bức tranh sơn thủy hữu tình của Nha Trang được tôn lên tạo nên một thế giới huyền ảo đầy màu sắc tự nhiên làm cho du khách dù chỉ một lần viếng thăm cũng không thể không ghi một ấn tượng nhớ mãi trong lòng. Gần nhất và lớn nhất là hòn Tre, trông xa như một con cá sấu khổng lồ đang trườn giữa hồ nước mênh mông trong xanh. Đảo có những đỉnh cao nối tiếp nhau, cao nhất là đỉnh hòn Tre với 482 m, hòn Lớn 414 m. Vì vậy nhiều khi người ta còn gọi là đảo hòn Lớn. Trên đảo có bãi tắm thiên nhiên thuộc loại lớn nhất Nha Trang và tốt nhất Nha Trang như bãi Trũ có thôn Bích Đầm – một cơ sở cách mạng nổi tiếng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ – nằm đối diện với thành phố Nha Trang, song lại có một thế giới sinh hoạt riêng của mình.
          Những hòn đảo khác nhỏ hơn nằm rải rác trên biển tạo nên những hình thù ngoạn mục. Có hòn như một con Rùa lớn đang bơi, có hòn như chiếc nón bài thơ úp giữa biển, hòn tựa cái nghiên mực, có hòn tựa như cánh buồm lớn trôi lơ lửng nửa chìm, nửa nổi với màu sắc thay đổi tùy tâm trạng biển cả – khi nâu, khi xanh lơ, khi đen sẫm, khiến cho du khách không thể không liên tưởng đến một truyền thuyết xa xưa kể về hòn chồng và hòn vợ với đôi vợ chồng chài lưới chung thủy… nằm kế hòn Tre là hòn Miễu hay còn gọi là đảo Bồng Nguyên, nơi có làng chài và hồ cá Trí Nguyên – một điểm du lịch độc đáo và hấp dẫn một sản phẩm du lịch độc đáo nhất của cả nước. Rồi hòn Yến, hòn Tzừm, hòn Mun, hòn Nội, hòn Ngoại … trong đó có những hòn là quê hương của hàng vạn loài chim yến biển thuộc nhóm Salangane, sinh sống và làm tổ bằng chính nước dãi của mình trong những vách đá, hốc đá cheo leo. Đây là một đặc sản thiên phú trời cho biển Nha Trang được xếp vào hàng “bát trân” trong yến tiệc của vua chúa ngày xưa: nem công, chả phượng, da tê ngưu, bàn chân gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi và yến xào. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nha Trang – Khánh Hòa được mệnh danh là “ sứ trầm, biển yến”, nơi “ vàng chôn, ngọc chứa” của tổ quốc :
          “Đảo xanh lố nhố
          Biển bạc mênh mông
          Lộc trời ban xuống Nha Trang
          Vàng chôn, ngọc chứa
          Đầy hang yến sào”.
          “Chung tình biển rộng non cao
          Không bao giờ hết yến sào Nha Trang
          Lỡ khi mưa nắng phũ phàng
          Vàng chôn, ngọc chứa sẵn sàng là đây”.
          Yến sào không những có giá trị kinh tế cực lớn, mà theo cụ Quách Tấn nó còn là hình ảnh tượng trưng cho “cái cao, cái đẹp, cái bất biến, cái vô cùng của tình người – những con người có lương tâm”.
          Đến Nha Trang du khách có thể thưởng thức các món yến ở khách sạn, nhà hàng sang trọng. Nhân đây cũng xin nói qua một chút cách chuẩn bị và cách ăn món yến. Tổ yến được ngâm vào nước trong khoảng 2h để chúng tự giã thành sợi, yến càng tốt thì càng bị tan trong nước, sau đó bỏ thêm một ít dầu lạc và khuấy đều để chất dơ và lông chim quyện vào dầu lạc, vớt bỏ. Những lông chim còn sót lại phải dùng nhíp nhặt cho hết. Dùng một chiếc liễn sứ bỏ chim vào đun cách thủy, tùy khẩu vị của từng người mà có thể thêm vào bột sắn dây, miến, nước cốt gà, bò, nước đường phèn hay hạt sen. Món quý phái nhất là món nấu theo kiểu tàu : bồ câu non nấu cách thủy với yến, yến được múc ra ly, chén sứ, thìa muỗng tốt nhất phải là đồ sứ. An yến thường vào buổi chiều. Trước khi ăn yến cần phải tắm rửa sạch sẽ cho cơ thể được thơm tho thanh thoát, dùng một bộ đồ thật rộng và thoải mái rồi lên giường nằm tĩnh dưỡng khoảng 30 phút, người dùng yến có thể nằm hơi nghiêng, đầu hơi cao, kiểu như người ta chuẩn bị hút thuốc phiện. Sau đó người nhà sẽ dùng thìa bón từng thìa thư thả nhẩn nha. An xong cứ tư thế đó mà ngủ một mạch cho tới sáng, giấc ngủ sẽ sâu và không có mộng mị, sáng ra nếu ai có bệnh sẽ cảm thấy sức khỏe được phục hồi tới 70% sinh lực, tâm hồn và thể chất sẽ cảm thấy thoải mái, sảng khoái, nhẹ nhàng khiến cho ngay cả người dùng yến cũng phải ngạc nhiên đến lạ lùng. Những người khỏe mạnh, bình thường sẽ thấy món yến ít tác dụng hơn và không thấy rõ nét.
          Yến có thể chữa được các bệnh động kinh, đi tướt của trẻ em, và đặc biệt là tráng dương. Người ta thường truyền tụng rằng vua Minh Mạng vì thường xuyên dùng món yến mà một đêm có thể “ ban ơn mưa móc” cho tới 5 bà đã cho ra đời 78 hoàng tử và 64 công chúa và trong hai mươi năm trị vì ( 1820 – 1840 ) đã làm việc rất nhiều với trí tuệ minh mẫn, mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho đất nước trên nhiều mặt, hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội.
          Đáy biển Nha Trang là nơi quần tụ của những rặng san hô muôn hình vạn sắc, tạo điều kiện cho việc sinh sôi nảy nở hàng ngàn sinh linh biển – một tài sản vô tận cho Nha Trang – Khánh Hòa.
          Nếu có dịp ngắm biển Nha Trang vào một đêm trăng sáng thì trước mặt du khách sẽ là một tấm nhung trắng kết hoàng bào, dưới vòm nhà bằng bạch cẩm nạm kim cương. Nếu vào đêm tối trời, ánh đèn của thuyền bè sẽ lấp lánh như ngàn vạn sao sa, cả trời biển, non nước sẽ như một tấm nhung đen trải hồng bào, xích bao, hoàng bào, khung cảnh tựa như một bức tranh trang trí cho một đền thờ huyền ảo của người An Độ.
          Phong cảnh của Nha Trang hữu tình, con người Nha Trang luôn chân tình đón chào du khách, phơi nắng và tắm biển, thăm viếng những di tích lịch sử – văn hóa và thắng cảnh, thưởng thức những món đặc sản, dùng những loại thuốc bổ, rượu bổ được chế biến tữ những sản phẩm của biển và rừng, mua sắm đồ mỹ nghệ đầy tính dân tộc và mang đậm bản sắc địa phương… chắc chắn du khách sẽ hài lòng vì đã chọn đúng một chuyến du lịch lý thú và ý nghĩa, không thể nào quên thành phố xinh đẹp bên bờ biển xanh này.
          Hay :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

 
Blogger Templates