Pages

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Đường Trường Sơn

Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào tới lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào, và Campuchia. Hệ thống này cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền NamQuân đội Nhân dân Việt Nam trong 16 năm (19591975) của thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) Quân đội Nhân dân Việt Nam là đơn vị triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này. Đường Trường sơn còn được những người lính trong cuộc chiến gọi là tuyến lửa.
Ở Việt Nam, hệ thống đường này đặt tên là Đường Trường Sơn, lấy tên của dãy Trường Sơn - dãy núi chạy dọc miền Trung Việt Nam, nơi hệ thống này đi qua. Về sau, hệ thống này có thêm tên gọi Đường mòn Hồ Chí Minh, tên gọi này (Ho Chi Minh trail) có nguồn gốc từ Mỹ. [1]
Trong Chiến tranh Việt Nam, lực lượng quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng các chiến dịch bộ binh và không quân. Một hệ thống máy móc điện tử, thường được gọi là Hàng rào Điện tử McNamara, đã được sử dụng để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, chất độc màu da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác đã được rải xuống nhiều vùng rừng trên đường Trường Sơn làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường.
Ngày nay, tuyến tây Trường Sơn (địa phận Lào) nhiều nơi đã thành vùng bỏ hoang, một vài điểm được xây dựng trở thành di tích lịch sử. Năm 2000, Đường Hồ Chí Minh, con đường xuyên Việt thứ hai sau Quốc lộ 1, bắt đầu được xây dựng trên tuyến đông Trường Sơn.
Lịch sử
Hình thành (1959-1965)
Một số phần của Đường Trường Sơn vốn đã tồn tại từ hàng thế kỷ dưới hình thức các con đường mòn sơ khai dành cho việc giao thông buôn bán trong vùng. Khu vực mà hệ thống đi qua đã là một trong những vùng đất địa hình hiểm trở nhất Đông Nam Á: núi cao, ít dân, rừng rậm nhiệt đới. Trong những năm đầu của Chiến tranh Đông Dương, Việt Minh đã sử dụng hệ thống đường mòn này làm đường nối liền Bắc Nam, một trong các tuyến đường đưa cán bộ di chuyển giữa hai miền để tránh sự truy quét của quân Pháp. Tháng 5 năm 1958, các lực lượng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và Pathet Lào đã chiếm giữ các nút giao thông tại Sê-pôn (Tchepone), trên đường 9 thuộc địa phận Lào.
Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra đời, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã phủ nhận Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954, chia cắt đất nước. Để tiếp tục chi viện cho những người Cộng sản miền Nam, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định xây dựng những con đường chiến lược. Trên cơ sở đó đã có 2 tuyến đường được xem xét là tuyến đường bộ qua dãy Trường Sơn và tuyến đường biển trên biển Đông.
Ngăn chặn và mở rộng (1965-1968)
Đầu năm 1965, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Cuối năm 1965, Đại tá Hoàng Văn Thái được cử làm Tư lệnh và Đại tá Vũ Xuân Chiêm được cử làm Chính ủy Đoàn 559. Đến cuối năm 1966, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên được cử làm Tư lệnh Đoàn 559 cho đến khi Đoàn 559 kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình (1976).
Theo ước lượng của tình báo Mỹ, trong năm 1961 số quân vào Nam theo đường Trường Sơn là 5.843, năm 1962 12.675 (con số thực là 5.300); năm 1963 7.693 (thực tế 4.700); và năm 1964 là 12.424 (thực tế là 9.000).[9] Năm 1964, khả năng cung ứng của đường Trường Sơn đã đạt đến từ 20 đến 30 tấn mỗi ngày.[10] Năm 1965, nhờ có các tuyến đường mới mở (trong đó có các tuyến đi qua Campuchia), lượng quân nhu được chuyển vào Nam trong năm này gần bằng tổng của 5 năm trước.
Đến năm 1965, việc ngăn chặn hệ thống đường Trường Sơn đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ, nhưng các chiến dịch chống phá gặp khó khăn bởi thiếu lực lượng và bởi tính "trung lập" của Lào. Ngày 14 tháng 12 năm 1964, Không lực Mỹ thực hiện chiến dịch Barrel Roll lần đầu ném bom một cách có hệ thống phần đường tại Lào. Ngày 20 tháng 3 năm 1965, sau khi Chiến dịch Sấm Rền đánh phá miền Bắc và Bắc Trung Bộ mở màn, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson đã chấp thuận một cuộc leo thang quân sự nhằm phá đường Trường Sơn.[14] Chiến dịch Barrel Roll tiếp diễn ở vùng Đông Bắc Lào, trong khi vùng cán xoong phía nam bị ném bom bởi Chiến dịch Steel Tiger. Đến giữa năm, số phi vụ đã tăng từ 20 lên 1.000 lượt mỗi tháng. Trong tháng 1 năm 1965, chỉ huy Mỹ tại Sài Gòn yêu cầu kiểm soát các chiến dịch ném bom tại các vùng Lào giáp ranh với 5 tỉnh phía Bắc Việt Nam Cộng hòa. Đến đây, vùng này thuộc về địa bàn của Chiến dịch Tiger Hound.[15]
Thời kỳ 1968-1972
Cuối năm 1968, tình báo Mỹ đã có một phát hiện gây sốc, đó là phát hiện về hệ thống đường ống dẫn xăng dầu chạy ở phía tây nam từ Vinh.[27] Đến đầu năm 1969, hệ thống này đã vượt qua biên giới với Lào, và đến năm 1970 đã vươn tới gần thung lũng A Sầu ở tỉnh Thừa Thiên. Được hỗ trợ bởi nhiều trạm bơm nhỏ, đường ống bằng nhựa đã có thể chuyển dầu diesel, xăng và dầu hỏa qua cùng một ống. Nhờ các nỗ lực của Trung đoàn đường ống 592 Quân đội Nhân dân Việt Nam, đến năm 1970, số đường ống vào Lào đã tăng lên 6.
Năm 1970, Đoàn 559 được nâng lên mang mức quân khu. Chỉ huy thời kỳ này là Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh và Đại tá Vũ Xuân Chiêm - Chính ủy. Năm 1971, Đại tá Đặng Tính được cử làm Chính ủy (Chính ủy Đặng Tính gặp tai nạn và mất trên đường đi công tác năm 1973). Binh đoàn được tổ chức lại thành 5 bộ tư lệnh khu vực ngang cấp sư đoàn là: 470, 471, 472, 473, và 571. Lực lượng binh đoàn bao gồm 4 trung đoàn vận tải, 2 trung đoàn đường ống dẫn dầu, 3 trung đoàn pháo phòng không, 8 trung đoàn công binh, và Sư đoàn 968 Bộ binh. Đến cuối năm, đoàn 559 đã có 27 binh trạm, vận chuyển 40.000 tấn hàng với tỉ lệ mất mát của năm đó là 3.4%.
Cho đến năm 1970, gần 80% lượng hàng được chuyển từ Bắc vào Nam là qua Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, dỡ tại cảng Sihanoukville ở Campuchia, rồi từ đó đưa vào miền Nam Việt Nam. Sau vụ đảo chính của tướng Lon Nol tại Campuchia năm 1970, và việc đóng cảng Sihanoukville đối với tầu từ miền Bắc Việt Nam, đường Trường Sơn phải làm thêm nhiệm vụ của đường Hồ Chí Minh trên biển. Có lẽ do dự đoán trước khả năng mất đường hậu cần phía Nam nên từ năm 1969, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắt đầu nỗ lực hậu cần lớn nhất trong cả cuộc chiến. Năm 1970, họ chiếm các thị xã Lào AttopeuSaravane ở chân cao nguyên Bolovens, kéo dài hệ thống vận tải trên sông Kong vào Campuchia. Quân đội Nhân dân Việt Nam còn thành lập Đoàn Vận tải 470 để quản lý dòng người và hàng đi tới các chiến trường mới trong lãnh thổ Campuchia.[31] "Con đường Giải Phóng" mới này rẽ sang Tây từ đường Trường Sơn tại Mường May ở Nam Lào, đi song song với sông Kong để vào Campuchia.
Đường tới chiến thắng (1973-1975)
Sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và Lào. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn được phát triển nhanh chóng, toàn diện, quy mô lớn trên tất cả các mặt. Đường Trường Sơn được nâng cấp tuyến phía Tây. Năm 1974, đường mở thêm tuyến phía Đông.
Năm 1973, hệ thống đường Trường Sơn bao gồm một con đường (rải sỏi và đá vôi) rộng hai làn xe, chạy từ các cửa khẩu ở Bắc Trung Bộ tới dãy Chu Pông ở miền Nam. Năm sau, đã có 4 làn hoàn chỉnh từ Tây Nguyên đến tận tỉnh Tây Ninh ở phía tây bắc Sài Gòn. Đường ống dẫn dầu duy nhất đã từng kết thúc tại thung lũng A Sầu nay bao gồm 4 đường (đường lớn nhất có đường kính 200 mm) kéo về phía Nam tới tận Lộc Ninh[47]
Tháng 7 năm 1973 Binh đoàn Trường Sơn được tổ chức lại, nâng lên cấp cao hơn, các bộ phận cấp trung đoàn được chuyển lên cấp sư đoàn, và các binh trạm được nâng lên cấp trung đoàn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn có tám sư đoàn (gồm hai sư đoàn ô tô vận tải: 571, 471; bốn sư đoàn công binh: 470, 472, 473, 565; Sư đoàn phòng không 377, Sư đoàn bộ binh 968) và một số trung đoàn trực thuộc (gồm: 6 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn cầu, 2 trung đoàn thông tin, 1 trung đoàn vận tải đường sông, 1 trung đoàn giao liên cơ giới, 1 trung đoàn kho, 1 trung đoàn huấn luyện, an dưỡng). Lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến gồm 4 đoàn - tương đương trung đoàn, với gần 10 nghìn nam nữ thanh niên. Chỉ huy thời kỳ này là Đại tá Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh và Đại tá Hoàng Thế Thiện - Chính ủy. Năm 1974, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên được thăng vượt cấp lên Trung tướng, Đại tá Hoàng Thế Thiện được thăng cấp Thiếu tướng. Đầu năm 1975, Đại tá Lê Xy được cử làm Chính ủy.
Quân bổ sung cho các chiến trường đều được hành quân bằng cơ giới, chấm dứt hành quân bộ. Trong mùa khô 1973-1974, mỗi tháng chuyển được trên 30.000 đến 50.000 quân qua tuyến. Trước đây, bộ đội hành quân bộ từ miền Bắc vào chiến trường B2 mất hơn ba tháng, nay chỉ mất hơn chục ngày. Đây là một bước tiến nhảy vọt về chất trong tổ chức hành quân. Đối với hàng, đội hình vận chuyển chủ yếu là trung đoàn, chạy hoàn toàn ban ngày, đi thẳng từ nơi nhận hàng tới nơi giao hàng.
Đến mùa hè năm 1974, đường đông và tây Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục vật chất, cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật, bảo đảm cho đòn tiến công chiến lược khi thời cơ đến. Đồng thời, tuyến hành lang đông - tây Trường Sơn đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch. rộng trên 130 nghìn cây số vuông, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường nam Đông Dương, là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ chi viện của hậu phương chiến lược miền Bắc cho các chiến trường tại miền Nam, Lào và Campuchia.
Tổng kết
Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.
Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến năm 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn ba vạn người bị thương, khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hoá bị đánh cháy...
Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.
Hành quân trên đường Trường Sơn
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn phải vượt qua chặng đường dài trên 1.500 km.
Thời gian đầu hoàn toàn hành quân bộ, mỗi ngày đi một đoạn đường từ trạm giao liên này tới trạm giao liên tiếp theo. Bộ đội hành quân bộ vào chiến trường B2 mất hơn ba tháng, nếu vào chiến trường Nam Bộ, đến Bù Gia Mập - điểm cuối cùng của con đường mòn thì hết khoảng 5 tháng.
Để chuẩn bị cho chặng đường dài gian khổ, bộ đội rèn luyện hành quân kèm mang đá, vác cây trên vùng đồi núi Kim Bôi - Hạ Bì, tỉnh Hòa Bình, rồi hành quân bộ trên quãng đường trên nửa ngàn cây số từ Hòa Bình vào Quảng Bình - cửa ngõ phía Bắc của đường Trường Sơn.
Năm 1965, mỗi người phải mang 30 kg quân trang, lương khô, súng đạn, thuốc quân y, đường, gạo, muối... Do hàng được chuyển bằng cơ giới ngày càng nhiều, lượng lương thực trữ tại các trạm giao liên ngày càng nhiều, nên khối lượng phải mang vác cũng giảm dần. Năm 1966 giảm xuống còn 25 kg, sau năm 1967 còn 20 kg.
Về chế độ ăn, ngoài gạo lĩnh tại các trạm giao liên, mỗi người lính được cấp một ống cóng ruốc thịt, trong đó pha trộn thuốc chống sốt rét, tê phù... một kilôgam muối để dùng cho toàn bộ chặng đường. Đồ ăn cho mỗi ngày gồm có một nắm cơm khi hành quân ban ngày và một bữa cơm khi dừng chân ban đêm. Với chế độ ăn này và cuộc hành quân vất vả mỗi ngày, bộ đội thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Do thế, khi gặp dân trên đường, bộ đội thường đem quân trang, tư trang đi đổi lấy rau, quả, lợn, gà...
Vào những năm mà mật độ bom đạn trút xuống đường Trường Sơn chưa phải là ác liệt. Những đoàn quân qua đây phần lớn thương vong không phải vì bom đạn địch mà vì sốt rét, phù tim, phù phổi, tả lỵ, trụy tim mạch, suy kiệt thể lực, do thiếu đói, đường sá gian truân. Trong đó, sốt rét rừng là nhân tố tiêu hao sinh lực mạnh nhất. Mặc dù bộ đội được trang bị thuốc cá nhân, mỗi đơn vị có y tá mang thùng thuốc dự trữ đi theo, đồng thời thực hiện chế độ uống thuốc phòng bệnh, nhưng sốt rét vẫn là căn bệnh "chính thống” Trường Sơn không miễn trừ bất cứ ai. Nhiều người tử vong vì sốt rét lâu ngày chuyển sang ác tính. Những người vượt qua được thì da dẻ xanh tái do thiếu máu, sức khỏe suy giảm.
Trên đường trèo đèo lội suối, chiếc gậy Trường Sơn là công cụ hỗ trợ đắc lực: giúp bước chân thêm vững, đường trơn đỡ ngã, và làm giá chống ba lô khi đứng nghỉ. Những chiếc gậy tre xuất xứ từ làng Hòa Xá (Hà Tây) này đã đi vào bài hát Chiếc gậy Trường Sơn của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đôi dép cao su (còn gọi là "đôi dép Bác Hồ") cũng là một hành trang rất phù hợp với đường rừng bùn lầy ẩm ướt do mưa nhiều, vì chân đi trong giày ủng lâu ngày sẽ bị úng nước và lở loét - một vấn đề mà lính Mỹ thường xuyên gặp phải khi đánh trận hay đóng quân ở vùng rừng.
Việc hành quân bằng cơ giới được bắt đầu từ năm 1968, tuy chỉ mới ở số lượng không nhiều. Trong tháng 1, có gần 6.000 quân được tổ chức hành quân bằng cơ giới. Trong tháng 4, hai tiểu đoàn pháo lớn, xe tăng, gần 124.000 quân được bảo đảm hành quân vào chiến trường. Tuy nhiên, do nguy cơ thương vong lớn (mỗi xe tải bị máy bay đánh cháy có thể làm thiệt mạng toàn bộ đơn vị trên xe), nên hình thức chuyển quân này chỉ được sử dụng hạn chế.
Năm 1973, kể từ sau khi có Hiệp định Paris, quân bổ sung cho các chiến trường đều được hành quân bằng cơ giới, chấm dứt hành quân bộ. Thời gian hành quân nay chỉ mất hơn chục ngày. Đây là một bước tiến nhảy vọt về chất trong tổ chức hành quân. Năm 1974, toàn bộ việc giao liên, hành quân, chuyển thương đều chuyển sang phương tiện cơ giới, mỗi tháng chuyển được trên 30.000 đến 50.000 quân qua tuyến.
Đường Trường Sơn trong văn hóa đại chúng
Trong những năm chiến tranh và cả trong thời kỳ hậu chiến, đường Trường Sơn đã là chủ đề cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc và văn học. Nhiều nhà thơ, nhà văn cũng đã là những người lính Trường Sơn.
Văn học
Một số bài thơ:
"Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
"Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật:
Đông sang Tây không phải đường thư
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh
"Tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Âm nhạc
Một số bài hát về Trường Sơn:
"Bước chân trên dải Trường Sơn", 1967, nhạc Vũ Trọng Hối, lời thơ Đăng Thục
Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn... Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
"Bài ca Trường Sơn", 1966, nhạc Trần Chung, lời thơ Gia Dũng.
...đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió. Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa. Đi ta đi tung cánh đại bàng...
"Chiếc gậy Trường Sơn", 1967, nhạc và lời Phạm Tuyên
Trường sơn ơi, nơi núi mờ xa mà ta chưa qua, có suối reo, có gió ngàn cây, có dốc cao vực sâu mất lối, mây trắng quyện dưới chân bước bồi hồi, có nắng lửa đốt thiêu vách núi...
"Đường Trường Sơn xe anh qua", 1971, nhạc Văn Dung
Đường em ghi chiến công lẫy lừng, tràn niềm tin trong muôn gian lao Đường Trường Sơn xe anh thẳng tới..
"Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây", 1971, nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Phạm Tiến Duật
...từ nơi em đưa sang bên nơi anh những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, như tình yêu nối lời vô tận. Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn...
"Lá đỏ", nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Nguyễn Đình Thi
Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng đứng ở bên đường, như quê hương vai áo bạc quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa...
"Đêm Trường Sơn nhớ Bác", 1974, nhạc Trần Chung, lời thơ Nguyễn Trung Thu
Ơi, đêm Trường Sơn, nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa, mà ngỡ như từ Pác Bó suối về đây ngân nga...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

 
Blogger Templates