Pages

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Cà Phê

Cà phê là tên một chi thực vật thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae). Họ này bao gồm khoảng 500 chi khác nhau với trên 6.000 loài cây nhiệt đới.
Chi cà phê bao gồm nhiều loài cây lâu năm khác nhau. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng chứa caffein trong hạt, một số loài khác xa với những cây cà phê ta thường thấy. Chỉ có hai loài cà phê có ý nghĩa kinh tế. Loài thứ nhất có tên thông thường trong tiếng Việtcà phê chè (tên khoa học: Coffea arabica), đại diện cho khoảng 61% các sản phẩm cà phê trên thế giới. Loài thứ hai là cà phê vối (tên khoa học: Coffea canephora hay Coffea robusta), chiếm gần 39% các sản phẩm cà phê. Ngoài ra còn có Coffea libericaCoffea excelsa (ở Việt Nam gọi là cà phê mít) với sản lượng không đáng kể.
Thân
Thân cây cà phê vối, khi cưa đốn thường được dùng chạm trổ các đồ thủ công mỹ nghệ.
Cây cà phê chè có thể cao tới 6 m, cà phê vối tới 10 m. Tuy nhiên ở các trang trại cà phê người ta thường phải cắt tỉa để giữ được độ cao từ 2-4 m, thuận lợi cho việc thu hoạch. Cây cà phê có cành thon dài, lá cuống ngắn, xanh đậm, hình oval. Mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt hơn. Chiều dài của lá khoảng 8-15 cm, rộng 4-6 cm. Rễ cây cà phê là loại rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất từ 1 đến 2,5 m với rất nhiều rễ phụ tỏa ra xung quanh làm nhiệm vụ hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
Hoa
Hoa cà phê màu trắng, có năm cánh, thường mọc thành chùm đôi hoặc chùm ba. Màu hoa và hương hoa dễ làm ta liên tưởng tới hoa nhài. Hoa chỉ nở trong vòng 3 đến 4 ngày và thời gian thụ phấn chỉ vài ba tiếng. Một cây cà phê trưởng thành có từ 30.000 đến 40.000 bông hoa.
Ngay từ khi cây cà phê ra hoa kết quả người ta đã có những đánh giá đầu tiên về vụ mùa cà phê. Ở các nước sản xuất cà phê lớn điều này đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những nhận định về giá cảthị trường. Tuy vậy những đợt rét đậm hoặc hạn hán có thể làm đảo lộn mọi sự tính toán và đẩy thị trường vào tình thế hoàn toàn khác.
Quả
Cà phê là loài cây tự thụ phấn, do đó giócôn trùng có ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh sản của cây. Sau khi thụ phấn từ 7 đến 9 tháng cây sẽ cho quả hình bầu dục, bề ngoài giống như quả anh đào. Trong thời gian chín, màu sắc của quả thay đổi từ xanh sang vàng rồi cuối cùng là đỏ. Quả có màu đen khi đã chín nẫu. Do thời gian đâm hoa kết trái lâu như vậy mà một vụ cà phê kéo dài gần một năm trời và có thể xảy ra trường hợp trên một cây vừa có hoa, vừa có quả.
Thông thường một quả cà phê chứa hai hạt. Chúng được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hai hạt cà phê nằm ép sát vào nhau. Mặt tiếp xúc giữa chúng là mặt phẳng, mặt hướng ra bên ngoài có hình vòng cung. Mỗi hạt còn được bảo vệ bởi hai lớp màng mỏng: một lớp màu trắng, bám chặt lấy vỏ hạt; một lớp màu vàng rời rạc hơn bọc ở bên ngoài. Hạt có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng, xám xanh hoặc xanh. Thỉnh thoảng cũng gặp nhưng quả chỉ có một hạt (do chỉ có một nhân hoặc do hai hạt bị dính lại thành một).
Niên vụ
Ở Việt Nam, nước hiện đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê vối (robusta), niên vụ được tính từ tháng 10 đến hết tháng 9 năm sau (theo dương lịch). Thời gian thu hoạch tại các tỉnh Tây Nguyên -- là nơi sản xuất khoảng 80 % tổng sản lượng của Việt Nam -- thường kéo dài trong 4 tháng, tính từ cuối tháng 10 đến hết tháng 1.
Ngay sau thu hoạch là thời gian nông dân trồng cà phê vối bắt đầu tưới nước cho cây và bón phân, chia thành nhiều đợt ngắn. Giai đoạn này kéo dài đến tháng 4 hàng năm.
Cây cà phê ở Việt Nam
Cây cà phê lần dầu tiên đưa vào Việt Nam từ năm 1897 và được trồng thử từ năm 1888. Giai đoạn đầu, cà phê chủ yếu trồng ở Ninh Bình, Quảng Bình… đến đầu thế kỷ 20 mới được trồng ở Nghệ An và một số nơi ở Tây Nguyên. Từ 1920 trở đi, cây cà phê mới có diện tích đáng kể đặc biệt ở Buôn Ma Thuật, Đăklăk. Khi mới bắt đầu, qui mô các đồn điền từ 200-300ha và năng suất chỉ đạt từ 400-600kg/ha. Cho đến nay, diện tích cà phê trên cả nước khoảng 500.000 ha và sản lượng có khi lên đến 900.000 tấn. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới.
Cà phê trồng ở nước ta có bao gồm cà phê vối (Robusta) chiếm 90% diện tích, cà phê chè (Arabica) 10% và cà phê mít (Excelsa) 1%. Do cà phê vối có hàm lượng caffeine cao (2-4%) nên hương vị không tinh khiết bằng cà phê chè (caffein 1-2%) nên giá chỉ bằng một nửa. Cây cà phê chè ưa sống ở vùng núi cao và thưòng được trồng độ cao từ 1000-1500 m, nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm. Cà phê vối ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp dưới 1000 m, nhiệt độ khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm và cần nhiều cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè.
Phương pháp cổ điển nhất để chọn giống cà phê bao gồm các bước tuyển chọn quần thể hoang dại tiếp theo lai, đánh giá sản lượng, lai ngược và lai giữa các loài. Nhược điểm của phương pháp này là thời gian lâu, thường khoảng 30 năm mới chọn ra được giống mới. Ngày nay, công nghệ sinh học đã được ứng dụng rộng rãi trong cải tạo và chọn giống cà phê như nuôi cấy mô, chuyển nạp gen và đánh giá chất lượng cây giống bằng một số phương pháp sinh học phân tử cho kết quả nhanh chóng như RFLP, RAPD, SSR, STS...
Theo chiến lược của ngành cà phê Việt Nam sẽ giảm diện tích cà phê vối và tăng diện tích cà phê chè tuy nhiên vấn đề giống là vấn đề quan trọng nhất. Trước đây giống cà phê chè ở Việt Nam là giống Typica, Bourbon, Caturra amarello hoặc một số giống được trồng mang tính thí nghiệm như Mundo Novo, Catuai. Hiện nay, các vùng mới trồng cà phê chè đều thuộc giống Catimor nhưng giống này có nhược điểm hương vị thiên về cà phê vối nên cần phải nghiên cứu thêm. Với nhu cầu cấp bách hiện nay là cần có giống cà phê chè mới có hương vị thơm ngon và kháng được bệnh thì cần phải ứng dụng các tiến bộ khoa học trong tuyển chọn và nhân giống cà phê từ các nguồn nhập ngoại và sẵn có ở Việt Nam.
Nguồn Gốc Cây Cà Phê
 Khoảng năm 1615, quán cà phê đầu tiên trên thế giới được khai trương ở thành phố cảng Venezia mỹ lệ của Italy. Từ đó, thói quen uống cà phê được truyền bá khắp thế giới. Sản lượng cà phê hàng năm trên thế giới là 4 triệu tấn, kim ngạch mậu dịch đạt 11 tỷ USD/năm.
Cây cà phê được phát hiện rất sớm ở Ethiopia, một người chăn cừu người Ả rập thấy những con cừu của anh ta đến chiều tối vẫn tung tăng, kêu rống không ngớt và không chịu về chuồng. Sau đó, anh ta để ý quan sát hoạt động của đàn cừu ban ngày. Cuối cùng phát hiện thấy những con cừu ăn một loại quả đỏ nhiều nước ở bụi rậm. Do hiếu kỳ anh ta hái vài quả đem về nấu chín nếm thử nhưng thấy vô cùng đắng, nuốt không trôi bèn đổ đi. Thật ngẫu nhiên là nồi nước quả đó đổ đúng vào đống lửa và mùi thơm toả ra từ làn khói bốc lên. Anh ta liền cùng bạn bè đem quả đó rang chín rồi mới nấu, khi uống có vị thơm hơn đắng, mệt mỏi tan hết, tinh thần sảng khoái. Câu chuyện này như có cánh, truyền bá rất nhanh đến với mọi người dân Ả rập. Từ đó, người Ả rập bắt đầu trồng loại cây này và lấy tên thị trấn đặt tên cho cây là cây cà phê.
Người Ả rập không chỉ là người đầu tiên phát hiện, trồng trọt cà phê mà còn là người đầu tiên truyền bá cà phê. Năm 890, người Ả rập mang cà phê đến Yemen. Thế kỷ 10, thông qua những tín đồ đạo Hồi hành hương về thánh địa Mecca, cây cà phê được đem trồng ở Ba Tư, I rắc… Đầu thế kỷ 16, cà phê được đem đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, thế kỷ 17 đến Italy. Khi cà phê mới được đem đến châu Âu, nó không được nhiều người biết đến, không ít người nghi ngờ rằng nó có độc, uống vào có hại cho sức khoẻ. Ở Thuỵ Điển, quốc vương Gusitafu đệ tam muốn thử xem cà phê có độc hay không bèn ra quyết định bắt hai anh em tội phạm bị kết án tử hình đang giam trong ngục đứng ra làm thử nghiệm và cũng thoả thuận với họ mỗi ngày uống hai ly cà phê sẽ được tha tội chết. Kết quả hai anh em nọ đều khoẻ mạnh, tinh thần sảng khoái, không những thế còn sống đến tuổi 80. Từ đó, Thuỵ Điển trở thành nước đầu tiên ở châu Âu dùng cà phê. Đến nay, cà phê đã trở thành thứ đồ uống không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, sản lượng cà phê hàng năm trên thế giới là 4 triệu tấn, kim ngạch mậu dịch đạt 11 tỷ USD/năm.
Có một tôn giáo tên là “cà phê”
Hơn một tỉ người trên thế giới uống cà phê, quá nhiều để thấy thức uống này gần như đã tạo thành một tôn giáo. Buổi chiều ngày 15.12 tại Công viên Tao Đàn, nơi đang diễn ra những ngày lễ hội văn hóa cà phê, các “tín đồ” đã có một buổi trò chuyện thú vị với giáo sư Vũ Khiêu và nhà sử học Dương Trung Quốc.
“Có rất nhiều thứ nghiện mà người ta ngăn cản nhưng có lẽ nghiện cà phê là thứ chưa ai ngăn cản, chỉ có điều người ta uống theo sở thích và sức khỏe của mình thôi”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã bắt đầu buổi nói chuyện bằng một ly cà phê nóng thứ 3 trong ngày của ông và những câu chuyện về lịch sử cà phê ở VN cũng như trên thế giới.
Cây cà phê có từ rất lâu trước khi trở thành một phần không thể thiếu sau này của hơn 1 tỉ con người. Về vùng đất được coi là xuất xứ của cây cà phê, có thể là Catfa ở Etiopia với truyền thuyết một chàng chăn dê thấy đàn dê của mình bỗng nhiên sinh động khác thường nên quan sát, và thấy chúng ăn một thứ quả đỏ mọc bên triền núi... Truyền thuyết chỉ là truyền thuyết nhưng đó là sự giao lưu về văn hóa. Nhiều sách chép rằng vào thế kỷ thứ 5 khi châu Âu bắt đầu biết đến châu Phi thông qua các cuộc chiến, theo chân những người lính, thứ nước uống kỳ diệu này đã tiến vào châu Âu. Đây là thứ nước uống luôn gắn với sự động não, cuộc sống đô thị càng căng thẳng thì người ta càng cần cà phê, tạo cơ hội cho cà phê phát triển.
Các danh nhân trên thế giới nói về cà phê
* Napoleon Bonaparte: Không có cà phê chính trị chỉ còn một nửa.
* Honore De Balzac: Khi chúng tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi
diễu hành trong quân đội.
* Joham Sebastian Bach: Không có cà phê buổi sáng, cuộc đời tôi khó khăn và vô vị…
Ở Đông Dương, khi các nước thực dân xâm chiếm và biến một số nước thành thuộc địa, họ đã nhanh chóng biết rằng đây là vùng đất tương thích một cách kỳ diệu với cà phê nên bắt đầu trồng thử nó ngay khi có mặt. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, cà phê theo chân các nhà truyền giáo phương Tây đến VN bởi với tính chất như một loại dược liệu, những đặc tính hóa học làm thần kinh sáng suốt rất cần cho lý trí để truyền giáo. Những cây cà phê đầu tiên của VN đã có từ mảnh vườn của họ. Thói quen bắt đầu từ rất ít những người phương Tây nên dù cà phê có mặt ở VN khá lâu, mãi sau này người Pháp mới trồng phổ biến hơn. Khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ 19, người Pháp đã bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất với hạ tầng cơ sở mà chưa quan tâm nhiều đến nông nghiệp VN. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp khai thác thuộc địa lần thứ hai, họ hiểu rằng cây cà phê rất thích hợp với thổ nhưỡng VN. Những năm 20 của thế kỷ 20, cây cà phê với các đồn điền ở cao nguyên miền Trung VN bắt đầu phát triển.
“Thực ra nếu người Pháp không đưa cây cà phê vào thì chắc chắn cà phê cũng sẽ tự tìm đường đến VN. Và khi sống ở VN nó trở thành một thứ cây rất VN tương thích với khí hậu và thổ nhưỡng nước ta. Nói một cách hình ảnh, giống Khổng giáo và Phật giáo khi vào VN cũng có những biến đổi tương thích với con người và văn hóa để trở thành văn hóa VN” - giáo sư Vũ Khiêu chia sẻ.
Cà phê là thứ uống để suy ngẫm, nên chẳng phải ngẫu nhiên dù cà phê hòa tan đang như một thứ tiện lợi, là lựa chọn của những người bận rộn, không có thời gian để dừng lại dù chỉ 15 phút mỗi sáng bên bàn cà phê thì văn hóa uống cà phê từ những chiếc phin nhỏ từng giọt chậm rãi vẫn không bị và không thể mất đi. Không chỉ bởi đó là cách uống ngon nhất khi cà phê được ngấm đủ thời gian với nước sôi mà còn vì phần thưởng xứng đáng cho người biết chờ đợi thứ nước đen như bóng đêm, nóng như hỏa ngục và đắng như mật ấy. Với những người nghiện cà phê, nhất là người VN, dù cuộc sống ngoài kia có hối hả đến mức nào, thì thời gian để chờ đợi ly cà phê pha bằng phin của họ cũng không thể thay bằng bất cứ điều gì khác. Đó không chỉ là thói quen, đó không chỉ là một cảm giác, đó là một sự thưởng thức được nâng lên thành văn hóa cho một thứ nước uống làm rung động quá nhiều giác quan của con người!
* Giáo sư Vũ Khiêu: Cà phê làm cho những trái tim xa lạ gần gũi nhau, làm cho sự cô đơn không trở thành phiền muộn, cà phê là thức uống diệu kỳ và lãng mạn nhất. Tôi chưa viết riêng về cà phê bao giờ nhưng trong rất nhiều cuốn sách của tôi có từng đoạn hay từng câu nhắc đến niềm hạnh phúc hay những nỗi buồn được chia sẻ với cà phê. Bao giờ thì VN không chỉ là nước xuất khẩu cà phê mà còn là nước có những thương hiệu cà phê với bản sắc văn hóa VN được thế giới biết đến? Trong lĩnh vực ẩm thực, đã có nhiều món ăn được biết như thế, không thể nào không còn chỗ cho cà phê!
* Nhà sử học Dương Trung Quốc: Khi các bạn uống cà phê với vị đắng đặc trưng của nó, các bạn có bao giờ nghĩ đến những điều sâu xa hơn không? Các bạn hãy xem bản đồ phân bố nơi trồng cà phê và nơi tiêu thụ cà phê, nó cũng tương ứng với bản đồ phân bố các nước giàu và nghèo. Các nước nghèo là nước trồng cà phê và ngược lại, các nước tiêu thụ nhiều cà phê nhất (chế biến và uống cà phê) lại là các nước giàu. Sự thật bất công ấy có phải là vị đắng như cà phê không? VN tự hào có lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ hai trên thế giới nhưng cà phê hiện tại mang lại lợi ích quốc gia chưa nhiều. Tại sao nước ta và các nước trồng cà phê khác người nông dân phải vất vả để trồng cà phê lại gần như không được nhắc đến
Phân loại Cà phê

Cà phê vối (tên khoa học: coffea canephora hoặc coffea robusta) là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Khoảng 39% các sản phẩm cà phê được sản xuất từ loại cà phê này. Nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới là Việt Nam. Các nước xuất khẩu quan trọng khác gồm Côte d'Ivoire, Uganda, Brasil, Ấn Độ.
Cây cà phê canephora có dạng cây gỗ hoặc cây bụi, chiều cao của cây trưởng thành có thể lên tới 10 m. Quả cà phê có hình tròn, hạt nhỏ hơn hạt cà phê arabica. Hàm lượng caffein trong hạt cà phê robusta khoảng 2-4%, trong khi ở cà phê arabica chỉ khoảng 1-2%.
Giống như cà phê chè, cây cà phê vối 3-4 tuổi có thể bắt đầu thu hoạch. Cây cho hạt trong khoảng từ 20 đến 30 năm. Cà phê vối ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp để trồng cây là dưới 1000 m. Nhiệt độ ưa thích của cây khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm. Cây cà phê vối cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè.
Cà phê vối chứa hàm lượng caffein cao hơn và có hương vị không tinh khiết bằng cà phê chè, do vậy mà được đánh giá thấp hơn. Giá một bao cà phê canephora thường chỉ bằng một nửa so với cà phê arabica. Năm 2004 Việt Nam xuất khẩu trên 14 triệu bao cà phê loại này, chiếm gần một nửa lượng cà phê vối xuất khẩu của toàn thế giới (trên 30 triệu bao). Hiện nay gần 90% diện tích cà phê ở Việt Nam được trồng cà phê vối, 10% trồng cà phê chè, khoảng 1% còn lại được trồng cà phê mít (coffea excelsa).
Cà phê chè
Cà phê chè là tên gọi theo tiếng Việt của loài cà phê có (tên khoa học là: coffea arabica) do loài cà phê này có lá nhỏ, cây thường để thấp giống cây chè một loài cây công nghiệp phổ biến ở Việt Nam.
Đây là loài có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê. Cà phê chè chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới. Cà phê arabica còn được gọi là Brazilian Milds nếu nó đến từ Brasil, gọi là Colombian Milds nếu đến từ Colombia, và gọi là Other Milds nếu đến từ các nước khác. Qua đó có thể thấy Brasil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này, chất lượng cà phê của họ cũng được đánh giá cao nhất. Các nước xuất khẩu khác gồm có Ethiopia, Mexico, Guatemala, Honduras, Peru, Ấn Độ.
Cây cà phê arabica ưa sống ở vùng núi cao. Người ta thường trồng nó ở độ cao từ 1000-1500 m. Cây có tán lớn, màu xanh đậm, lá hình oval. Cây cà phê trưởng thành có thể cao từ 4-6 m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15 m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt cà phê.
Cà phê chè sau khi trồng khoảng 3 đến 4 năm thì có thể bắt đầu cho thu hoạch. Thường thì cà phê 25 tuổi đã được coi là già, không thu hoạch được nữa. Thực tế nó vẫn có thể tiếp tục sống thêm khoảng 70 năm. Cây cà phê arabica ưa thích nhiệt độ từ 16-25°C, lượng mưa khoảng trên 1000 mm.
Trên thị trường cà phê chè được đánh giá cao hơn cà phê vối (coffea canephora hay coffea robusta) vì có hương vị thơm ngon và chứa ít hàm lượng caffein hơn. Một bao cà phê chè (60 kg) thường có giá cao gấp 2 lần một bao cà phê vối. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng chủ yếu là cà phê vối. Năm 2005 dự kiến diện tích trồng cà phê chè mới đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng cà phê cả nước (khoảng 40.000 ha/410.000 ha).
Lý do khó phát triển cà phê chè do độ cao ở Việt Nam không phù hợp, những vùng chuyên canh cà phê ở Việt Nam như Buôn Ma Thuột Đắk Lắk, Bảo Lộc Lâm Đồng... đều chỉ có độ cao từ 500-1000m so với mực nước biển, loài cây này lại nhiều sâu bệnh hại nên không kinh tế bằng trồng cà phê vối nếu trồng ở Việt Nam.
Cà phê mít
Cà phê mít hay cà phê Liberia (Danh pháp khoa học: Coffea liberica, đồng nghĩa Coffea excelsa thuộc họ Thiến thảo. Là một trong 3 loại chính của họ cà phê.
Đặc điểm phân biệt
Cây cao 2m -5m. Thân, lá và quả đều to, khác biệt hẳn các loại cà phê khác là cà phê vối, cà phê mít. Do lá to, xanh đậm nhìn xa như cây mít nên gọi là cà phê mít là vì vậy. Cây chịu hạn tốt, ít cần nước tưới nên thường trồng quảng canh, tuy nhiên do năng suất kém, chất lượng không cao (Có vị chua) nên không được ưa chuộng và phát triển diện tích.
Ở Việt Nam
Tại Việt Nam cây trồng chủ yếu ở các tỉnh như Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum là những tỉnh có điều kiện phù hợp cho phát triển cây công nghiệp nhưng không hoàn toàn thuận lợi cho cà phê phát triển. Đây cũng chính là lý do Đắk Lắk và nhất là Buôn Ma Thuột vốn được xem là thủ phủ cà phê nhưng lại có rất ít diện tích trồng loại cà phê này.
Tây nguyên, Cà phê mít thường nở hoa và thu hoạch muộn hơn các loài cà phê khác do đặc điểm là nở hoa nhờ nước mưa, quả thường thu hoạch vào tháng 12 âm lịch, sau khi các loài cà phê khác đã thu hoạch xong. Sản lượng của cà phê mít không lớn, hạt nhân to, thon dài trắng. Cây thường được trồng thuần loài hay làm đai rừng chắn gió cho các lôcà phê vối, thường trồng thành hàng với khoảng cách 5-7m một cây.
Do đặc tính chịu hạn và có sức chống chọi với sâu bệnh cao nên hiện cà phê mít được dùng làm gốc ghép cho các loại cà phê khác rất được các nhà vườn ưa chuộng.
Hạt cà phê mít thường được trộn vào với cà vối, cà chè khi rang xay để tạo hương vị.
Thông tin chưa được kiểm chứng: Cà phê mít thường hợp với gu của người châu Âu, các loại cà phê hòa tan theo gu châu Âu thường có tỉ lệ cà phê mít nhiều nên thường có vị chua đặc trưng.
Cà phê Buôn Ma Thuột
Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng của cà phê Việt Nam được trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột, một cao nguyên thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam.
Tuy cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (năm 1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk, xuất phát từ Buôn Ma Thuột chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của người Pháp. Hiện tại theo số liệu niên giám thống kê năm 2006, Đắk Lắk có 174.740 ha cà phê. Đắk Lắk cũng là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê trung bình cao nhất thế giới 2,5 tấn/ha. Tổng sản lượng cà phê năm 2006 của Đắk Lắk là 435.025 tấn, góp phần trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 của những quốc gia xuất khẩu cà phê và là nhà xuất khẩu cà phê vối hàng đầu. Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất được giới hâm mộ và các nhà rang xay cà phê đánh giá cao. Chính vì những lý do trên, Buôn Ma Thuột hay được ví như một "thủ phủ cà phê". Cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được trên cao nguyên đất đỏ bazan này. Cây cà phê đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ vị trí một thị xã tỉnh lẻ cao nguyên trở thành một thành phố sầm uất.
Cây cà phê với đời sống kinh tế
Cây cà phê trước kia có thể được coi là cây xóa đói giảm nghèo ở Buôn Ma Thuột. Trước kia, nó chỉ được trồng trong các đồn điền của người Pháp sau đó được mở rộng thành các nông trường. Thời Bao cấp, chỉ cần đem được vài chục kg xuống đồng bằng bán là đủ tiền xe và ăn chơi thoải mái vài ngày. Trước món lợi như vậy nhiều người đã mạnh dạn trồng trong vườn nhà vườn rẫy và diện tích cà phê không bao lâu đã tăng đến chóng mặt, nhất là thời điểm những năm sau 1990 có những lúc cà phê lên tới hơn 40.000 đồng/Kg cà phê nhân; trong khi vàng chỉ có 200.000 đồng/chỉ. Lúc ấy Buôn Ma Thuột người ta tha hồ sắm xe, xây nhà cửa và hình như nhờ cú hích đó mà Buôn Ma Thuột từ thị xã bay lên làm thành phố. Nhưng Ở Buôn Ma Thuột cũng còn có những lúc không ngủ được vì cà phê khi chỉ còn 3.000 đồng/kg, cà phê chín đỏ rẫy nhưng thuê hái thì lỗ cả tiền thuê công, rồi hạn hán, sâu bệnh... Vì vậy cây cà phê và những vấn đề liên quan đến nó như giá cả, xăng dầu, thời tiết... luôn là chuyện thời sự nóng hổi trong các quán cà phê.
Những vấn đề liên quan
Ở Đắk Lắk, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa, như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hóa rất đặc trưng của vùng này. Ở Buôn Ma Thuột không chỉ việc trồng cà phê là phổ biến mà việc uống cà phê cũng trở nên quen thuộc với một số người như nhu cầu ăn cơm, uống nước. Vì vậy, chỉ tính riêng khu vực nội thành, các quán cà phê nhiều đến nỗi nếu mỗi ngày chỉ vào một quán thôi thì cũng phải mất cả năm mới đi giáp một vòng. Các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột hầu hết đều được đầu tư rất lớn và có phong cách riêng để thu hút khách, tuy nhiên hấp dẫn nhất với du khách thường là các quán có phong cách Tây nguyên như quán Pơ lang, Thung lũng hồng, Chuông đá... Giờ đây người ta hay nói: Đến Đắk Lắk mà không đi uống cà phê thì coi như chưa đến Đắk Lắk.
Trong cơ cấu cây trồng ở Buôn Ma Thuột, có đủ các loài cà phê như: cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít nhưng được trồng rộng rãi nhất là cà phê vối. Hiện tại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được dùng chung cho cà phê Đắk Lắk.
Bí quyết rang xay cà phê ở Đắk Lắk
Ở Đắk Lắk các quán cà phê thường rất đông khách và có những lượng khách quen nhất định do hợp gu và nghiện hương vị cà phê của quán. Tuy hiện tại ở đây đã có thương hiệu cà phê Trung Nguyên rất nổi tiếng trên cả nước về chế biến với các sản phẩm cà phê rang xay theo cách cổ truyền có trộn thêm hương liệu và cà phê hòa tan G7, nhưng các quán cà phê ở đây thường ít sử dụng ặhoàn toàn mà chỉ trộn lẫn với cà phê tự rang( do muốn giữ được khách thường phải có bí quyết rang xay riêng để tạo hương vị đặc trưng).
Do không có nguồn kiểm chứng nên bí quyết này đưa ra chỉ mang tính tham khảo, đó là: Trong lượng cà phê đem vào rang xay, chủ yếu là cà vối, tuy nhiên phải có thêm một phần nhỏ cà chè và cà mít đặc biệt là ngô để cà phê khi pha ra có độ sánh của tinh bột. Để có mùi vị đậm đà người ta cho thêm một tí bơ hoặc mỡ ngay trước khi rang xong. Để tạo sự quyến rũ gây nghiện ngoài caphein người ta còn cho thêm vào một ít vỏ cau khô...
Cách thưởng thức cà phê ở Buôn Ma Thuột
Ở Buôn Ma thuột người ta thường dùng cà phê được pha chế theo kiểu Đen tức cà phê pha với đường hoặc Cà phê sữa tức cà phê dùng chung với sữa những loại này thường uống trong ngày lạnh, để giữ độ nóng người ta còn ngâm cả ly cà phê trong chén nước sôi đem ra cho khách hoặc luộc các ly thủy tinh dầy chuyên để đựng cà phê. Vào những ngày nóng hoặc theo khẩu vị, người ta dùng Đen đá hoặc Sữa đá tức cà phê như trên nhưng cho thêm đá. Tuy nhiên, ở các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột, cà phê thường được pha rất đặc, nếu cho đá cũng chỉ có vài cục nhỏ, nên uống thấy rất đậm và gắt thường chỉ nhấp từng ngụm thật nhỏ và luôn uống thêm nước chè pha loãng. Trước đây ở Buôn Ma Thuột, người ta thường dùng cà phê pha phin, nhiều người hiện vẫn cho rằng đây là cách thưởng thức cà phê thú vị nhất, vừa nghe nhạc nhẹ nhàng vừa đếm những giọt cà phê rơi chậm rãi. Cà phê phin được pha rất cầu kỳ, người ta rót ít nước sôi vào nắp, đặt phin cà phê vào cho ngấm nước ngược lên khiến cà phê nở đều hơn khi rót nước sôi vào từ phía trên, cũng luôn phải nhớ việc đè chặt chiếc nắp chặn có lỗ nhỏ xuống để tạo độ nén; chính vì thế nước cà phê được chảy xuống rất chậm và đậm đặc, lại thường uống với rất ít đá nên mang tính chất thưởng thức nhiều hơn giải khát. Ngày nay, do cuộc sống hiện đại và để phục vụ nhu cầu của số đông, người ta thường dùng cách chế cà phê bằng cách bọc trong vải, nấu trong nồi cho ra nước để có thể phục vụ số nhiều và cũng là cách tận dụng triệt để cà phê. Sau đó cho vào ấm sắt để liu riu lửa nhằm cô đậm và giữ nóng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

 
Blogger Templates